Nằm giữa cái nhộn nhịp của Sài Thành hoa lệ, bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam tọa lạc trên đường Hoàng Dư Khương, số 41, quận 10, TP. HCM. Đây cũng là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng chiêm ngưỡng những nét cổ kính trong bảo tàng với những gian nhà mang kiến trúc cổ xưa của Việt Nam vào thế kỷ trước.
Đôi nét về bảo tàng y học cổ truyền Việt Nam
Bảo tàng y học cổ truyền Việt Nam ra đời với lòng đam mê vô tận của ông Lê Khắc Tâm đối với nghề thuốc cổ truyền. Ngay từ khi còn trẻ, ông Tâm đã nhận ra đây không chỉ là nghề chữa bệnh giúp người mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của người Việt, nhiều kiến thức của người Việt về cây thuốc. Vì thế, với thôi thúc bảo vệ sự quý giá của thảo dược, ông đã ấp ủ xây dựng bảo tàng y học cổ truyền.
Bảo tàng được xây dựng vào năm 2003, được đưa vào sử dụng năm 2007 với quy mô 6 tầng và 18 phòng trên tổng diện tích gần 600m2. Được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ với nhiều họa tiết tinh xảo, chủ nhân bảo tàng dùng những khung cửa nhà gỗ xưa được chuyển từ đồng bằng Bắc Bộ vào tạo cho không gian của Bảo tàng một vẻ cổ kính, ấm cúng.
Đến tham quan bảo tàng, bạn sẽ có dịp được tìm hiểu thế nào là dao cầu, thuyền tán, cân thuốc, chày cối giã thuốc, ấm sắc thuốc, hũ rượu ngâm thuốc. bảo tàng y học cổ truyền tái hiện hình ảnh, tranh khắc, hiện vật về các hoạt động các hoạt động khám bệnh, trị bệnh, bốc thuốc, sắc thuốc của các vị lương y, thái y từ xa xưa đến nay. Bên cạnh đó, trong bảo tàng còn là nơi tôn vinh 100 vị danh y có công đóng góp cho sự nghiệp y học dân tộc từ thế kỷ XII đến XX, cùng với bộ sưu tập sách y học bằng Hán nôm mô tả gần 2.000 cây thuốc Việt Nam.
Tham quan kiến trúc bên trong bảo tàng
Nhìn từ bên ngoài vào, kiến trúc của bảo tàng y học Việt Nam không quá nổi bật. Vật dụng nội thất ở đây được sử dụng từ một ngôi nhà cổ ở Hà Nội, tái hiện lại nhà truyền thống Việt Nam cổ xưa. Từng viên gạch, mái ngói đều mang dấu ấn lịch sử. Bảo tàng gồm 18 phòng cho khách tham quan:
- Phòng 1 chứa Niên biểu lịch sử y học cổ truyền Việt Nam với các sự kiện đáng kể trong quá trình hình thành và phát triển của nước ta.
- Phòng 2 là Bàn thờ y tổ thờ hai danh y lỗi lạc của VN: Thiền sư Tuệ Tĩnh (TK 14) và Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác (TK 18).
- Phòng 3 chứa dụng cụ y học thời tiền sử với một số hiện vật đồ đá và đồ đồng liên quan đến y học cổ truyền có niên đại từ thời tiền sử.
- Phòng 4 trưng bày 15 bức tranh sơn son thếp vàng của các danh y và tác giả y học cổ truyền Việt Nam từ TK XIII – TK XIX
- Phòng 5 thể hiện những nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống các vùng và dân tộc, từ nét nhà miền bắc (Bắc Bộ) – lưu vực sông Hồng, có nét của Huế và có một nét của dân tộc Chàm. Ngoài ra, cổng vào phòng số 5 mô phỏng Y miếu Thăng Long được xây dựng năm 1780.
- Phòng 6 trưng bày di tích y học Phương Đông với lịch sử của Trung Y, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản.
- Phòng 7 trưng bày bức tranh bức tranh chạm gỗ mang tên Việt Nam Bách Gia Y.
- Phòng 8 chứa hơn 300 mẫu những cây thuốc và động vật, khoáng vật làm thuốc y học cổ truyền.
- Phòng 9 là bộ sưu tập một số dụng cụ bào chế thuốc.
- Phòng 10 là mô hình của tiệm thuốc bắc với bộ tủ và quầy bán thuốc là bộ đồ gỗ TK XIX.
- Phòng 11 là bộ sưu tập rượu thuốc với phương pháp ngâm Hạ thổ được ngâm trong các hũ sành, sứ.
- Phòng 12 là những bức tranh khảm trai mô tả những hoạt động liên quan đến Y học cổ truyền: Cảnh hái thuốc, bào chế thuốc, bắt mạch, kê đơn và bộ sưu tập ấm chén thuốc.
- Phòng 13 chứa các dụng cụ giã thuốc.
- Phòng 14 chứa bộ sưu tập ấm sắc thuốc
- Phòng 15 chứa các bình rượu thuốc.
- Phòng 16 theo mô hình Thái y viện, là nơi chăm sóc sức khỏe cho vua chúa và hoàng tộc.
- Phòng 17 là phòng chiếu phim với các bộ phim tư liệu “Kinh nghiệm thế kỷ chăm sóc sức khỏe” được dịch theo phụ đề 5 thứ tiếng Việt, Anh phụ đề tiếng Đức, Nga, Pháp.
- Phòng 18 là quầy hàng lưu niệm để quý khách thưởng thức trà thảo dược miễn phí và mua sắm các loại vật liệu đông y như các loại thuốc, trà thảo dược, rượu bổ, các sản phẩm hữu cơ (trà, dầu gội, sữa tắm)…
KẾT LUẬN
Bên cạnh trải nghiệm kiến trúc hoài cổ, Bảo tàng y học học cổ truyền Việt Nam còn giúp khách tham quan tích cóp thêm nhiều kiến thức về y học, chăm sóc sức khỏe, cách cơ thể vận hành theo ngũ hành, cuối cùng là thưởng thức tách trà nóng trước khi rời đi.